Nghè Đệ Tứ nằm ở địa phận làng Hòa Chúng, xã Quảng Thọ trước kia. Làng Hòa Chúng - quê hương cách mạng của huyện Quảng Xương ồn, gắn với sự tích Đinh Tiên Hoàng khi lên ngôi đã phong cho Lê Lương chức Đô quốc dịch sứ Châu Ái và cắt nửa cõi phong cho dòng họ Lê (văn bia chùa Hương Nghiêm). Thời Lý, làng có tên gọi Đồn Trang, thời Hậu Lê gọi là làng Đồn và sang thời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) được đổi tên là Hòa Chúng cho đến ngày nay.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hòa Chúng thuộc xã Cung Thượng, tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương. Giai đoạn 1947, huyện đã hợp nhất 3 xã Lê Viêm, Bạch Đằng và Lãnh Phiên thành xã Quảng Châu. Năm 1954, xã Quảng Châu chia thành 3 xã: Quảng Thọ, Quảng Châu và Quảng Vinh. Làng Hòa Chúng thuộc xã Quảng Thọ. Làng có 4 nghè, gồm Nghè Đình Thượng (đệ nhất), Nghè Ròng (đệ nhị), Nghè Thông (đệ tam) và Nghè Đệ Tứ. Cả 4 nghè được xây dựng ở thế đối xứng nhau. Nghè Đệ Tứ nằm trên tuyến Quốc lộ lộ 47, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 12km.
Căn cứ vào các sắc phong và tài liệu còn lưu giữ được cùng những thần tích và những câu chuyện dân gian truyền tụng lại, Nghè Đệ Tứ là nơi thờ tự người con trai của Lê Lương, do lập nhiều công lao đã được hoàng đế Lê Đại Hành phong tước Vệ đại tướng quân. Khi mất, ngài được tôn phong Đại vương thượng đẳng tôn thần, nhân dân tôn ngài làm thành hoàng làng và thờ tại Nghè Đệ Tứ. Linh vị của ngài được đặt tại khu chính tẩm của nghè. Qua bản dịch của các sắc phong còn lưu giữ tại Nghè Đệ Tứ, các triều đại phong kiến đã phong cho ngài tước “Dực bảo trung hưng Linh phù Quang ý Đoan túc Thiếu bảo Nhân quận công lưỡng vệ Đại tướng quân Thượng đẳng tôn thần vị hiền”.
Nghè Đệ Tứ xưa kia gồm có tiền đường 5 gian 2 chái, tổng chiều dài 13,35m. Hậu cung gồm 3 gian, tổng chiều dài 6,7m. Tại Nghè vẫn còn lưu giữ được 2 sắc phong rất có giá trị. Tại Nghè có treo câu đối:
“Quần sinh đắc thiên thu vọng
Lạc sự hoan đồng vạn chúng sinh”.
Dịch nghĩa:
Sống quần tụ được ngàn thu trông cậy
Làm việc vui cùng muôn vạn chúng sinh.
Câu đối ở cột nanh: (1)
“Xa mã vãng lai huyền đại đạo
U minh xuất nhập diện huyền cơ”.
Dịch nghĩa:
Xe ngựa đi về theo đường đạo nghĩa cả
Vào ra sáng tối, kỳ diệu máy then trời.
(2)
“Tế tụng chưng thường thu tổ đức
Lễ tuân chiêu mục trọng nhân luân”.
Dịch nghĩa:
Tế dùng theo phép thông thường, thi hành đức độ tiên tổ
Lễ tháng tuần bên chiêu mục, tôn trọng luân lý con người.
Tại nghè có các đại tự:
“Bảo lê dân
Tối linh từ”
Dịch nghĩa:
Bảo hộ con dân
Đền thờ linh thiêng nhất.
Hàng năm, Nghè Đệ Tứ và Nghè Thọ Đài đều tổ chức các ngày lễ: Tết cổ truyền, 15 tháng Giêng (lễ Cầu phúc), ngày giỗ nhị vua thiên thần (3/2), tết Đoan Ngọ (5/5), tế Trung Nguyên thượng điền (15/7), tế cốc vũ (10/9) Âm lịch. Mỗi khi có biến cố về thời tiết gây dịch bệnh cho con người, vật nuôi và cây trồng thì các cụ lại tổ chức lập đàn tế, như cầu mưa, cầu trừ dịch bệnh, sâu bọ, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho con người khoẻ mạnh... Các Lễ hội mang đậm nét bản sắc quê hương, như trồng đu quay, đánh trống vật cờ tướng, giao lưu văn hóa văn nghệ như: chèo tuồng cổ, rước kiệu quanh làng.
Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Nghè Đệ Tứ là nơi gắn liền với phong trào văn thân chống Pháp và cũng là địa điểm hoạt động của Việt Minh huyện Quảng Xương. Trong phong trào văn thân giữa thế kỷ XIX, làng Hòa Chúng có ông Lê Viêm và Đường Hiêng liên kết với lãnh tụ Lãnh Phiên chiêu tập nghĩa quân đánh Pháp, tiêu biểu như trận đánh thành Thanh Hóa, trận đánh tại chợ Cầu Trỏi thuộc làng Hòa Chúng. Nghè Đệ Tứ ở cạnh nhà ông Lê Viêm đã trở thành nơi hội họp của nghĩa quân. Trong những năm 1885 - 1886, do biết được vai trò của Nghè, thực dân Pháp đã đốt Nghè và bắt, sát hại những người theo phong trào Cần Vương nhưng phong trào đã không bị dập tắt mà còn được thổi bùng lên mạnh mẽ khiến bọn thực dân, phong kiến phải sợ hãi. Đã có những câu thơ được truyền tụng lại như sau:
Đốt từ ao quán đốt ra
Phía Nam nhờ có người nhà tên lân
Vào lùng tìm bắt nghĩa quân
Truy tìm thủ lĩnh tay chân cầm đầu
Lùng từ ngõ trước vườn sau
Huênh hoang chém giết mấy người oan khiên.
Sau khi bị phá hỏng, Nghè đã được dân làng khôi phục, xây dựng lại trên nền đất cũ.
Dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, sau năm 1940, cơ sở Việt Minh ở phía Bắc huyện Quảng Xương đã được hình thành, trung tâm hoạt động tại làng Hòa Chúng do nhóm thanh niên yêu nước, tiêu biểu là Lê Quang Liệu chỉ huy. Đây là những đốm lửa đầu tiên của phong trào cách mạng Quảng Xương. Nghè Đệ Tứ có tiếng là linh thiêng, ít bị nghi ngờ đã được lựa chọn là địa điểm liên lạc, nơi ở bí mật của cán bộ cấp trên về hoạt động tại làng Hòa Chúng như đồng chí Tố Hữu, Đinh Chương Lân. Nơi đây còn cất dấu nhiều tài liệu, là nơi họp bàn của cán bộ cách mạng. Làng Hòa Chúng cũng là nơi triệu tập Hội nghị Việt Minh huyện, thành lập ban khởi nghĩa và phát lệnh tổng khởi nghĩa cướp chính quyền trong toàn huyện. Đêm ngày 18 tháng 8 năm 1945, lực lượng đánh chiếm huyện lỵ đã tập kết tại Cồn Tiền thuộc làng Hòa Chúng và tiến về chiếm huyện lỵ Quảng Xương, giành chính quyền trong toàn huyện vào ngày 19 tháng 8 năm 1945.
Làng Hòa Chúng đã có bề dày lịch sử hàng ngàn năm và có nhiều công lao to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Nghè Đệ Tứ cùng với làng Hòa Chúng là địa điểm di tích lịch sử cách mạng - cái nôi cách mạng của huyện Quảng Xương trong những năm chuẩn bị và tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Đây cũng là nơi chứng kiến sự kiện lịch sử trọng đại: thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ huyện Quảng Xương (ngày 26/2/1946).
Trải qua chiều dài lịch sử, Nghè Đệ Tứ đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân quê hương Hòa Chúng nói riêng, xã Quảng Thọ nói chung. Với vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng, ngày 30 tháng 12 năm 1999, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã có Quyết định số 578/QĐ/VHTT công nhận Nghè Đệ Tứ là di tích lịch sử cách mạng.
Năm 2007, Nghè Đệ Tứ được đầu tư tôn tạo trên diện tích 448m2với kinh phí hơn 400 triệu đồng. Hiện nay, các hoạt động dâng hương tưởng niệm, tổ chức các lễ hội truyền thống tại Nghè vẫn được gìn giữ và phát huy. Lãnh đạo chính quyền phường Quảng Thọ đã quy hoạch mở rộng mặt bằng với diện tích 3083,7 m2, đã được UBND huyện và Sở VH-TT&DL phê duyệt) để Nghè Đệ Tứ ngày càng bề thế, khang trang hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân trong xã và bè bạn gần xa.